Quy định của dòng họ Dương Văn
(Trích trong gia phả)
Điều 1: Theo đúng phong tục Việt Nam: Sau năm đời tống giỗ, hay "Ngũ đại mai thần chủ", cao hơn kỵ gọi chung là Tiên tổ thì các chi không cúng giỗ nữa mà rước Tiên tổ các đời vào nhà thờ để mỗi năm dòng họ giỗ hoặc tế một lần.
- Ngày 13/12/2003 tức ngày 20/11 Quí mùi dòng họ đã tổ chức lễ rước anh linh Thuỷ tổ và các Tiên tổ vào nhà thờ.
- Như vậy, từ nay khi có thế hệ mới thì dòng họ tổ chức tế lễ rước Tiên tổ của gia đình đó vào nhà thờ, kể cả những vị không có con cháu nối dõi.
Điều 2: Tiên tổ và vị trí thờ phụng:
- Những Tiên tổ được rước vào nhà thờ bao gồm: Tiên ông, Tiên bà, những vị không có con nối dõi và mất sớm ( trừ trường hợp đặc biệt ).
- Bàn thờ ở chính điện ( nhìn từ ngoài vào ) thờ Thuỷ tổ và các Tiên tổ. Bàn thờ bên trái thờ hương hồn các trưởng dòng họ ( khi thành Tiên Tổ chuyển sang điện chính ). Bàn thờ bên phải thờ hai bà tổ cô Mỹ Ân, Từ Loát và những vị không có con nối dõi hoặc mất sớm. Mỗi vị trí thờ có một bài vị ghi chung, khi bổ sung thì viết tiếp hoặc thay thế nếu chuẩn mực hơn
Điều 3: Ngày đầu của tiết thanh minh hằng năm là ngày giỗ Tổ cũng là ngày hội họp của dòng họ, ngày tế lễ, rước Tiên tổ ( nếu có ) vì vậy mọi người cả dâu, rể cố gắng về dự đông đủ để thắp nhang thờ cúng Tổ tiên, cùng bàn công việc và tạo niềm tin gắn kết với nhau.
Điều 4: Trưởng dòng họ là người đàn ông thuộc con, cháu của con trai trưởng ngành cả, thế hệ trước mất thì thế hệ kế tiếp lên thay. Trường hợp đặc biệt thì người chú kế tiếp lên thay. Trường hợp đặc biệt nữa thì dòng họ chọn một người lên thay trên cơ sở kế tiếp về ngành và ngôi thứ. Chức vị trưởng dòng họ được dòng họ làm lễ kính báo tổ tiên vào ngày giỗ tổ năm đó.
Điều 5: Nhiệm vụ, quyền hạn:
- Dòng họ: Tuân thủ thực hiện theo đúng qui định, pháp luật của nhà nước và thuần phong mỹ tục của Việt Nam đồng thời tổ chức thực hiện những nội dung của dòng họ đã thống nhất tại kỳ họp năm trước.
- Trưởng dòng họ: Là người điều hành các công việc chung của dòng họ, lưu trữ hồ sơ, đại diện dòng họ trong tất cả các mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân.
- Thủ nhang: Là người được dòng họ tín nhiệm để trông coi bảo quản nhà thờ, lăng mộ và có trách nhiệm hương khói ngày mùng một, mười rằm, ngày lễ, mở cửa tiếp đón các đoàn ở các tỉnh, thành, nước ngoài hoặc cá nhân về thắp hương, tế lễ đồng thời được hưởng thù lao theo qui định của dòng họ.
- Thành viên: Tất cả mọi người trong dòng họ không phân biệt gái, trai đều có quyền như nhau nhưng tôn trọng ngôi thứ. Được quyền thắp hương tế lễ, thể hiện tâm đức và trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp xây dựng dòng họ ngày càng vững mạnh.
Điều 6: Nội dung hoạt động:
- Xây dựng nhận thức đúng, nề nếp hoạt động, củng cố, phát huy tình đoàn kết, thân tộc, tôn trọng lẫn nhau một cách bền vững.
- Tích cực tìm kiếm thông tin và mộ của các cụ chưa tìm được từ đời thứ nhất đến đời thứ năm về qui tập tại lăng mộ dòng họ.
- Những gia đình có nguyện vọng đưa hài cốt về khu lăng mộ phải được sự đồng ý của Trưởng tộc và hội nghị dòng họ. Việc sắp xếp theo đời, ngành, ngôi thứ đảm bảo khoa học, thẩm mỹ chỉ được thực hiện khi hội tụ đủ các điều kiện cho phép.
- Trùng tu, tôn tạo nhà thờ, lăng mộ, mở rộng khuôn viên trên cơ sở nguyên bản đồng thời đảm bảo bền, đẹp thể hiện cổ kính, uy nghiêm và hiện đại.
- Có biện pháp để mọi người phát huy năng lực trí tuệ, phẩm chất cao đẹp đặc biệt là thế hệ trẻ. Tôn vinh những con người tài năng đóng góp cho xã hội để làm tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.
- Lập trang web dòng họ để cung cấp, cập nhật thông tin kịp thời, chính xác và tiên tiến.
Điều 7: Kinh phí hoạt động:
- Nguồn thu: bao gồm nguồn góp giỗ, đóng góp theo suất đinh do dòng họ quyết định theo từng thời kỳ. Nguồn tiền hoặc vật chất tiến cúng, công đức và các nguồn khác ( nếu đúng tôn chỉ, mục đích của dòng họ ).
- Mục chi: Chi ngày giỗ tổ, chi xây dựng, tu sửa, chi phí lễ, chi khuyến học, khuyến tài, hiếu hỷ, chi các hoạt động cho dòng họ…
- Ban kinh phí bao gồm: Chủ tài khoản là Trưởng dòng họ, một thủ quỹ, sổ sách rõ ràng, lưu trữ. Việc thu chi theo nghi quyết cuộc họp từng năm, phải quyết toán và thông báo công khai tại cuộc họp ngày giỗ tổ.
Điều 8: Dòng họ có một cuốn sổ vàng ghi công đức của những người tiến cúng bằng tiền, vật chất, người có công với dòng họ và được lập bảng đặt nơi trang trọng trong nhà thờ.
Điều 9: Bản gia phả năm 2013 là bản gốc. Khi có sự phát sinh mới về: người, công trạng, địa chỉ, hiếu, hỷ…thì các gia đình phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho ông Trưởng họ như đã nêu trong gia phả và ngay trên Website để kịp thời bổ xung, thông báo cho mọi người cùng biết, thực hiện.
Điều 10: Thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau hãy gìn giữ truyền thống quí báu của dòng tộc, thực hiện nghiêm túc bản qui định này, động viên, khuyến khích nhau cùng phát triển và phát huy theo nét tiên tiến, đậm đà bản sắc phong tục Việt Nam.